1. Tình trạng dinh dưỡng trẻ em
Hiện nay, Việt Nam đang phải đương đầu với gánh nặng kép về dinh dưỡng:
- Tình trạng suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi cònphổ biến ở trẻ em ở nông thôn: Kết quả điều tra tình trạng dinh dưỡng tại 6 tỉnh thành của Việt Nam năm 2011 cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ 6-9 tuổi là 13,7%, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ 9-11 tuổi là 18,2%.
- Tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em ngày càng gia tăng đặc biệt ở các khu vực đô thị và trở thành vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Theo kết quả của tổng điều tra dinh dưỡng năm 2009-2010: Tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ 5-19 tuổi trên toàn quốc là 8,7%, trong đó tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ em thành phố là 15,4%, trẻ em nông thôn là 6,6% và của trẻ em ở các thành phố trực thuộc trung ương là 27,4% (Biểu đồ 1).
Thừa cân, béo phì ở trẻ em có nguy cơ dẫn đến béo phì khi trưởng thành, cũng như các rối loạn bệnh lý khác liên quan tới béo phì. Nghiên cứu ở Nhật Bản cho thấy có đến 30% trẻ béo sẽ trở thành người béo khi trưởng thành kèm theo các rối loạn bệnh lý khác liên quan tới béo phì .
2. Khẩu phần của trẻ em tuổi học đường
Điều tra khẩu phần của trẻ từ 6-11 tuổi tại 6 tỉnh thành năm 2011 cho thấy khẩu phần năng lượng chỉ đạt khoảng 76% nhu cầu đề nghị. Khẩu phần canxi, sắt, vitamin A, vitamin C chưa đáp ứng nhu cầu đề nghị (Biểu đồ 2). Các vitamin và chất khoáng này rất quan trọng đối với sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ em lứa tuổi học đường.
Vì vậy, việc xây dựng Bộ thực đơn Bữa ăn Học đường cân đối, đa dạng thực phẩm và đáp ứng nhu cầu khuyến nghị dinh dưỡng theo lứa tuổi là rất cần thiết.
Ngân hàng thực đơn của Phần mềm “Xây dựng Thực đơn Cân bằng Dinh dưỡng” được xây dựng dựa theo nhu cầu khuyến nghị dinh dưỡng cho trẻ em 6-11 tuổi của "Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam” của Viện Dinh dưỡng - Bộ Y tế, năm 2016. Đây chính là một trong những giải pháp hiệu quả góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng học sinh tiểu học, góp phần nâng cao thể lực và trí tuệ của thế hệ tương lai.